Chiến dịch Biên giới Thu Đông1
Dụng binh tài giỏi, chiến công vang lừng
Khai thông biên giới Việt – Trung
Mật danh “Chiến dịch Lê Hồng Phong hai”2
“Chỉ được thắng, không được thua”3
Lời Hồ Chủ tịch trong ngoài tỏ thông
Biên thùy Người đã đích thân
Đến nơi thị sát ba quân trận tiền
Cán binh dũng cảm trung kiên
Dốc tâm đánh bọn Tây Dương tham tàn
Niềm tin chiến thắng ngập tràn
Hiểm nguy há sợ, gian nan chẳng nề!
Mở màn ta đánh Đông Khê
Giao tranh khốc liệt, gay go bội phần
Giặc Tây chống cự điên cuồng
Quân ta gan góc kiên cường tấn công
Pháo binh, xung lực hiệp đồng
Hai ngày công kích phá tung đồn thù4
Nhớ Đại đội trưởng Trần Cừ5
Xông pha giết giặc sá gì tử sinh
Sống dũng cảm, chết quang vinh
Lổ châu mai, lấy thân mình bịt ngay!
Muôn đời ghi dấu nơi đây
La Văn Cầu đã chặt tay công đồn6
Chặt cánh tay đã bị thương
Nhằm lô cốt địch kiên cường lao lên
Anh đánh bộc phá vang rền
Tức thì đồng đội xông lên diệt thù
Cụm cứ điểm địch mịt mù
Quân ta ào ạt liên hồi tấn công
Bừng bừng tiếng thét xung phong
Tả xung hữu đột, triều dâng sóng trào
Giặc Tây tháo chạy nháo nhào
Ta giành chiến thắng trận đầu lừng vang.
Một binh đoàn Pháp kinh hoàng
Từ Cao Bằng đã vội vàng rút quân7
Đồng bọn ở Thất Khê lên
Ý đồ dọn bãi đón quân rút về
Mưu toan tái chiếm Đông Khê
Liên miên bắn phá, bốn bề đạn bom
Cả binh đoàn giặc nghênh ngang
Theo đường số bốn vội vàng tiến quân
Trận đồ ta đã bủa giăng
Đội hình bố trí suốt trên quãng dài8
Kiên cường chặn địch đêm ngày
Tiến công, tập kích, bao vây khắp vùng
Từ Nà Kéo đến Mộc Ngần
Tiếng hô giết giặc xa gần lừng vang
Ngọc Trà, Nà Pá, Khâu Luông…
Trùng trùng thế trận vùi chôn quân thù
Le-page thất bại nặng nề
Chạy vào Cốc Xá ngóng chờ Sác-tông
Hai tên chưa kịp hội quân
Tứ bề đã bị vây quanh cả rồi!
Quân ta công kích liên hồi
Súng ta giòn giã rung trời chuyển non
Giặc Tây bị đánh dập dồn
Nơi nơi tan tác, khiếp hồn bại vong
Cả Le-page lẫn Sác-tông9
Bị ta bắt sống, sợ run, cúi gằm
Hai binh đoàn Pháp tan tành
Ta làm chủ khắp Cao Bằng, Lạng Sơn
Giặc Tây kinh hãi, hoang mang
Na Sầm, Đồng Lập… quáng quàng rút quân10
Cả vùng rừng núi mênh mông
Quân thù sạch bóng, nhân dân reo mừng.
Nhiều ngày tác chiến trong rừng
Hậu cần chiến dịch muôn phần khó khăn
Hàng ngàn hàng vạn dân công
Hăng say tải đạn tiếp lương kịp thời
Lòng dân sâu nặng biển trời
Đủ nguồn thực phẩm ra nơi chiến trường
Hậu phương cùng với tiền phương
Thủy chung gắn bó, kiên cường lập công.
Cán binh tạc dạ ghi lòng
Từng vần thơ Bác ấm nồng tâm can
Cùng nhau đánh đuổi sài lang
Diệt thù giành lại giang san Tiên Rồng
Chiến dịch Biên giới thành công
Vùng Cao - Bắc - Lạng cờ hồng tung bay
Phản công quyết liệt từ đây11
Quân ta đánh mạnh, giặc Tây kinh hoàng
Tưởng như trống trận ngân vang
Báo ngày thắng lợi hoàn toàn về ta.
*Chú thích:
1/ Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 diễn ra 29 ngày đêm (từ 16/9 đến 14/10/1950), là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh vào hệ thống phòng ngự của giặc Pháp trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn.
2/ Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 mang mật danh “Chiến dịch Lê Hồng Phong 2”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng, không được thua!”. Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch; Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp.
3/ Ngày 10/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới ở làng Tả Phày Tử, thuộc huyện Quảng Yên, phía bắc thị xã Cao Bằng. Ngày 13/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mặt trận Đông Khê, trực tiếp quan sát trận địa. Đến thăm Trung đoàn 296 đang chuẩn bị tấn công Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ "Phải đánh thắng trận mở màn". Tại đây, Hồ Chí Minh đã làm bài thơ “ĐĂNG SƠN”:
Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân.
Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Nhà thơ Xuân Diệu dịch như sau:
LÊN NÚI
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
4/ Sáng ngày 16/9/1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch. (Đông Khê là một thị trấn thuộc huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng). Địch chống cự điên cuồng, trận đánh rất gay go, khốc liệt. Bộ đội chiến đấu kiên cường, tấn công mãnh liệt, liên tục. Đến sáng ngày 18/9/1950, quân ta làm chủ toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê.
5/ Trong trận tấn công cụm cứ điểm Đông Khê, Đại đội trưởng Trần Cừ đã lấy thân mình bịt lổ châu mai địch, tạo thuận lợi cho đồng đội tiến lên. Cả đại đội xông lên, đánh sập hầm ngầm, làm chủ trận địa.
6/ Cũng trong trận Đông Khê, Tiểu đội trưởng La Văn Cầu bị thương gãy tay, cánh tay còn dính vướng, anh đã nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương, rồi ôm bộc phá lao lên đánh sập lô cốt địch.
7/ Sau thất bại Đông Khê, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương vội vã rút binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng về; điều binh đoàn Le-page ở Thất Khê lên nhằm phản kích tái chiếm Đông Khê và đón binh đoàn Sác-tông. (Thất Khê là thị trấn của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Quân Pháp còn mở cuộc hành quân Phô-cơ đánh lên vùng tự do Thái Nguyên, hòng thu hút chủ lực ta, giảm áp lực cho hướng Cao Bằng - Lạng Sơn, nhưng hoàn toàn vô hiệu.
8/ Ta chủ động chiếm các điểm cao, các vị trí hiểm yếu, bố trí trận địa dọc theo đường số 4, suốt từ Nà Kéo đến Nà Mộc Ngần, dài gần 13km, để chặn đánh binh đoàn Le-page từ Thất Khê lên.
9/ Le-page, chỉ huy binh đoàn từ Thất Khê lên phản kích và đón đồng bọn; Sác-tông, chỉ huy binh đoàn từ Cao Bằng rút về. Cả hai tên này đều bị ta bắt sống.
10/ Sau khi binh đoàn Le-page và binh đoàn Sác-tông bị đánh tan, giặc Pháp hoảng sợ rút bỏ Na Sầm, Đồng Lập và nhiều đồn trại trên đường số 4.
11/ Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 thắng lợi, mở ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đây, quân ta phản công mạnh mẽ trên khắp các chiến trường, tiến tới tổng phản công đánh thắng giặc Pháp năm 1954.